Trải nghiệm học CELTA

Chào mọi người, nhân ngày học xong CELTA và cũng là dịp khai trương trang cá nhân, mình viết bài này để chia sẻ về khoá đào tạo giáo viên tiếng Anh nổi tiếng có từ năm 1962 này.

1. CELTA là gì?

CELTA là chứng chỉ đào tạo giáo viên tiếng Anh được cấp bởi Cambridge. Đây có lẽ là chứng chỉ dạy tiếng Anh nổi tiếng nhất thế giới – cứ 4 công việc dạy tiếng Anh thì có 3 công việc yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ CELTA1. Mình chọn CELTA để học một phần vì muốn có cơ hội dạy ở khắp nơi trên thế giới.

2. CELTA có yêu cầu kinh nghiệm giảng dạy không?

Không. Khoá học của mình gồm những người chưa từng dạy bao giờ và cũng có những người đã dạy 5-10 năm. Có người đang học MA Linguistics, MA TESOL, tới người trái ngành đang học MA Music, hay Quản lý bất động sản vẫn nhiệt tình đi học. Mình thích CELTA một phần cũng vì được tiếp xúc với sự đa dạng về chuyên môn và trải nghiệm sống từ khắp nơi trên thế giới này.

Dù kinh nghiệm có như thế nào thì khi vào khoá học, tất cả mọi người đều được đào tạo lại từ đầu. Không phải chuyện hiếm khi thấy những trainee (tên gọi người học CELTA) đã dạy lâu năm phải chật vật sửa lại những thói quen đã ăn sâu vào máu. Chính vì thế mà nhiều khi là một “tờ giấy trắng” lại là một ích lợi.

Mình thấy 2 yêu cầu đầu vào chính của khoá là tiếng Anh tốt (C1 trở lên) và sẵn sàng cải thiện khi được góp ý.

3- Điều gì làm CELTA đặc biệt

Mình nghĩ đó là sự thực dụng của CELTA. Tất cả những điều mình làm trong khoá điều hướng đến việc giúp mình đứng lớp ngay lập tức sau khi học. Ngay từ ngày thứ 2, trainee đã được “ném vào” việc thực hành dạy học sinh thật. Mỗi trainee sẽ cần dạy ít nhất 6 giờ, cộng thêm việc quan sát ít nhất 6 giờ dạy của các giáo viên có kinh nghiệm, và cuối cùng là hoàn thành 4 bài viết liên quan tới các phương pháp dạy tiếng Anh.

Mỗi khóa CELTA được hướng dẫn bởi 2-3 tutors. Mỗi tutor đảm nhiệm nhóm 5-6 người nên mình cảm giác mỗi trainee được giúp đỡ vừa đủ. Tutors là những người quan sát những tiết dạy thử và góp ý cho mình. Họ cũng là những người hỗ trợ và đánh giá trainee trong suốt 1 tháng học.

4. CELTA có khó không?

Mình thấy CELTA không khó theo kiểu phương trình này nghiệm là bao nhiêu, mà khó ở chỗ có rất nhiều việc phải làm trong một thời gian ngắn. Mỗi tuần, ngoài khung giờ hành chính dành để dạy và tham gia các tiết input, mỗi trainee cũng cần chuẩn bị giáo án cho 2 tiết dạy và làm thêm các bài tập viết. Mình đã lường trước được sự căng thẳng này, nhưng vào guồng mới biết thực tế khốc liệt hơn tưởng tượng rất nhiều. Có lẽ vì thế mà trainee luôn được khuyên là hãy chỉ tập trung vào mỗi việc học trong khoá mà thôi, tránh bị phân tâm bởi các trách nhiệm khác.

Cũng chính vì khối lượng bài tập nhiều, nên mình thấy kỹ năng quản lý thời gian tốt – tránh nước đến chân mới nhảy hay lề mề mãi mới xong một bài, chính là chìa khoá để sống sót qua CELTA. Nếu không bạn sẽ ít nhất một lần chửi rủa bản thân khi phải thức tới 5 giờ sáng để làm cho xong bài như mình :D.

5. Làm sao để không “Fail”?

Đây chính là câu hỏi lớn nhất của mình đầu khoá, khi vừa nhận ra đã trót đóng hơn ngàn đô mà lỡ học không qua thì thật là chỉ biết khóc.

Sau khi học xong thì mình thấy để không Fail thực ra khá là dễ. Chỉ cần bạn nạp bài đúng hạn, nghe góp ý của tutor và làm theo yêu cầu của họ thì có khả năng rất cao là bạn sẽ Pass. Với lại, theo thống kê của Cambridge thì chỉ có 0.4% trainee bị Fail.

Mình nghĩ có số phần trăm Fail ít như vậy là vì để vào khoá thì trainee phải qua được 2 vòng Viết và Phỏng vấn. Ai mà học cho vui hoặc nhìn tướng không trụ được sự khốc liệt của khoá là bị loại liền. Mình đoán là điều này nhằm tránh lãng phí thời gian của tutor cũng như tăng chất lượng chung của nhóm trainee.

Nhóm mình chỉ có mỗi một bạn không Pass nhưng là vì bạn đó chọn dừng khoá ngay từ tuần đầu. Hỏi ra mới biết là vì bạn cảm thấy không hợp làm giáo viên lắm. Cũng là một cách hay để tìm ra chân lý của đời mình, mặc dù hơi tốn tiền.

Một lý do nữa để khỏi nơm nớp lo lắng về việc qua hay trượt, đó là bạn sẽ được tutor cảnh báo nếu bạn có khả năng trượt, và đồng thời sẽ được hướng dẫn những điều cần làm để vượt qua vùng nguy hiểm này. Cái này là mình nghe nói trên Reddit thôi chứ may quá chưa phải trải nghiệm trực tiếp.

6. Một ngày bình thường của khoá

9AM – 12PM Teaching Practices (TPs). Mỗi ngày sẽ có 3 tiết tập dạy (TPs), mỗi tiết 45 phút do trainee đứng lớp. Mỗi trainee sẽ dạy tổng cộng 8 tiết trong cả khoá. Nếu không phải tiết của mình thì mình vẫn có nhiệm vụ quan sát tiết dạy của các trainee khác, và làm một bài tập nào đó liên quan: nhận xét về kỹ năng dạy, các giai đoạn trong bài giảng, người học tương tác như thế nào, etc.

Hồi đầu mình thắc mắc là liệu học sinh trong những tiết TPs này có phải là người học thật không. Mình rất ngạc nhiên khi biết câu trả lời là thật. Những người học này chủ yếu là người lớn, đã về hưu hoặc có thời gian nhiều thời gian rảnh. Tìm hiểu ra mới biết học phí mà họ phải đóng rất ít, gần như miễn phí. Âu cũng dễ hiểu vì đổi lại họ sẽ phải đánh liều với các giáo viên tập sự mà không phải lúc nào cũng có thể tạo ra một tiết dạy tuyệt vời, thậm chí có nhiều lúc thảm hoạ. Họ hoàn toàn hiểu điều này và không lạ gì với các tiết dạy diễn ra không như mong muốn.

12PM – 1PM Feedback session. Đây là thời gian để tutor và các trainee nhận xét điểm mạnh và điểm yếu của các TPs. Nhờ các buổi góp ý này mà trainee sẽ “lớn” hơn rất nhiều, và rất nhanh. Mình dạy tiết thứ 1 thì như vịt con mà đến tiết thứ 3 là thấy cả bầu trời trong tay (tất nhiên là phóng đại tí :D).

1PM – 2PM Lunch break.

2PM – 5PM Input sessions. Đây là các buổi được dạy bởi tutor. Mình được hướng dẫn cách triển khai bài giảng theo từng kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), cách dạy phát âm, cách sửa lỗi người học, etc. Những buổi này rất hữu dụng vì liên quan trực tiếp tới việc lên bài giảng và đứng lớp ở các TPs.

Mình rất mong chờ các tiết Input vì vừa được xem tutor dạy, vừa được trải nghiệm phương pháp CELTA từ góc nhìn của học sinh, cho nên học lỏm được rất nhiều để đưa vào tiết dạy của mình. Cách dạy của tutor cũng đề cao sự tham gia của người học, chứ không phải kiểu bật Powerpoint lên và nói theo màn hình.

5PM trở đi: Thời gian này không học nhưng khả năng cao là sẽ phải dành để làm bài tập.

7- CELTA có đáng không?

Sau khi học, mình khẳng định là có. Những điều mình học được trong khoá CELTA thực sự rất hữu dụng, theo cách mà mình có thể áp dụng được trực tiếp vào công việc ngay khi vừa kết thúc khoá luôn. Mình rất thích kiểu học thực tế như thế này.

Ngoài ra, chứng chỉ CELTA có thể coi là chứng chỉ dạy tiếng Anh được biết đến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Mình thấy đáng vì mình được đào tạo theo tiêu chuẩn tương tự như hàng ngàn trainee trên khắp thế giới. Nếu mình làm tốt, nghĩa là mình có thể tự tin là mình có thể kiếm việc khắp năm châu (tất nhiên là trừ các nước phân biệt đối với người không phải bản địa nói tiếng Anh ra).

Với lại, sau khi học, mình đã hiểu được tại sao CELTA lại được tin tưởng bởi các nhà tuyển dụng như vậy. Yêu cầu cao của khoá, cộng với độ thực tế, cũng như sự giám sát chặt chẽ của Cambridge với TỪNG khoá học khiến cho chất lượng chung của CELTA luôn được giữ ở mức cạnh tranh và thậm chí là cao. Giáo viên sau khi học có thể “chinh chiến” luôn mà gần như không cần đào tạo thêm nhiều. Nhà tuyển dụng cũng được dịp khoe là chỗ này tuyển giáo viên CELTA dạy.

8- Khi nào thì nhận chứng chỉ?

Khoảng 2-3 ngày sau khi kết thúc khoá, chỗ mình học sẽ gửi một tờ có ghi điểm cuối khoá về email. Điểm này là điểm tạm thời, vì còn phải chờ gửi về Cambridge để quyết định chính thức. Nhưng theo lời assessor thì rất hiếm khi Cambridge thay đổi điểm này, chắc là vì người biết rõ nhất thực lực của mình trong khoá là tutors chứ đâu phải ông bà nào đó ở tận Cambridge.

Bản cứng của chứng chỉ sẽ được gửi qua bưu điện về địa chỉ của mình trong vòng 6-7 tuần.

9- Chuẩn bị cho khoá như thế nào?

Mình có trả lời câu hỏi này ở phần 6 trong bài Làm sao để đạt CELTA Pass A của mình. Mời các bạn đọc.

10- Trong khoá nên dùng các nguồn gì để làm bài tập và soạn bài giảng

Tài liệu dùng để làm tất cả các bài tập và soạn bài đều được tutor cho cả. Cả nhóm mình tham gia một Google Classroom và mọi thông tin về học tập đều được trao đổi trên đó hết.

Ngoài ra, mình cũng tìm được một số nguồn khác rất hữu dụng như:

  • Cô Jo Gakonga của trang ELT Training. Cô cũng có một kênh Youtube gồm các video giải ngố các bài viết rất dễ hiểu.
  • ELT Concourse với những hướng dẫn đồ sộ và chi tiết về CELTA
  • Để làm bài viết cho thật tốt, mình cũng cố tìm các bài mà các trainee khác đã làm trên Academia và Scribd để tham khảo mức độ chi tiết cũng như những thông tin nên có trong bài của mình.

Ở các bài Language Analysis, mình đều được khen là phân tích rất kỹ và hoàn chỉnh. Điều này là nhờ sự giúp đỡ của các công cụ sau:

  • Word and Meaning: Cambridge Learner’s Dictionary. Đây phiên bản “learner-friendly” của từ điển chính Cambridge, vậy nên định nghĩa các từ cũng rất là dễ nuốt, kể cả cho học sinh Elementary. Nhưng nhiều từ mình không chắc thì cũng phải nhờ tới các từ điển khác như Oxford Learner’s Dictionary, Longman và Collins. Phần phiên âm cho các từ cũng chép từ các từ điển này ra luôn.
  • Convey Meaning: Phần này sẽ có một tiết input riêng mà mình thấy rất hay. Đại loại là làm sao mà bạn chuyển tải được nghĩa của một từ tiếng Anh bằng chính tiếng Anh. Mình sẽ không spoil vì thực sự tiết input đó rất là mở não. Mình thỉnh thoảng sẽ dùng ChatGPT để gợi ý cách chuyển tải ý này, nhưng trải nghiệm của mình là chỉ dựa vào ChatGPT để giúp gợi ý thôi chứ mình vẫn phải nghĩ thêm rất nhiều mới tìm ra được cách chuyển tải ý hiệu quả nhất.
  • CCQs (Concept Checking Questions): Sau khi chuyển tải nghĩa rồi thì mình sẽ dùng những câu hỏi này để xem là học sinh có thực sự hiểu hết ý nghĩa của từ đó hay không. Thường mấy câu này mình cũng nhờ ChatGPT gợi ý và chỉnh sửa cho sát nghĩa và độ khó của ngôn ngữ phù hợp.
  • Problems and Solutions là phần khó nhất đối với mình, nhưng cũng là phần giúp mình học được cách lường trước các vấn đề có thể gặp phải khi giới thiệu một từ nào đó. Phần này rất được tutor quan tâm nên mình luôn cố gắng hoàn thành. Nhờ vậy mà nhiều lần học sinh hỏi hoặc dùng sai từ là mình có thể can thiệp được luôn, rất sướng. Phần này thì thực sự là không có một nguồn nào có thể giúp được ngoài trải nghiệm của mình khi từng đi dạy hoặc tìm hiểu. Việc làm bài tập trước khoá, trong đó có một vài bài về lỗi người học, cũng giúp mình nhiều cho phần này.

11- Một số thông tin lẻ tẻ khác

a/ Nên làm thân với các trainee khác từ sớm

Để nâng cao trải nghiệm trong khoá, mình thấy việc các trainee giúp đỡ nhau cũng rất quan trọng. Sau đây là những cách mà mọi người trong nhóm mình đã giúp nhau:

  • Nhắc mấy việc hành chính cần phải làm trong khoá.
  • Giải thích một số thuật ngữ, hoặc giới thiệu sách để tìm kiếm thông tin cho các bài viết.
  • Phím cho nhau mấy câu học sinh dùng sai trong giờ dạy để sửa cuối giờ.
  • Yểm trợ về mặt kỹ thuật khi trainee nào đang dạy tự dưng rớt mạng hoặc lỗi không đóng được breakout rooms.
  • Chia sẻ cho nhau giáo án và slides của các bài đã dạy để học hỏi.

Đầu khoá mình xung phong lập nhóm Whatsapp với các bạn. Nhờ nhóm nửa học nửa đùa này mà mối quan hệ giữa các trainees cũng gắn kết hơn. Lâu lâu đang ngồi học input mà chán thì lên Whatsapp gửi meme cho nhau rồi cố cười nhịn trên Zoom. Mình cũng tranh thủ thêm LinkedIn các bạn để sau này có việc còn giới thiệu cho nhau.

b/ Ngày Assessor của Cambridge tới thăm

Gần cuối khoá, Assessor của Cambridge sẽ tới để kiểm tra chất lượng của khoá. Nghe Assessor tới thăm cứ ngỡ như kiểu hồi xưa Thanh tra của Sở về lớp. Tuy nhiên trainee thì không cần lo lắng gì vì Assessor ở đó là để thẩm định công việc của tutors. Chủ yếu họ sẽ xem các giấy tờ trong khoá có được điền đầy đủ và chính xác như yêu cầu hay không, gồm portfolio của các trainee. Họ cũng sẽ dự giờ các TPs của một số trainee bất kỳ (trong đó có tiết của mình). Họ cũng sẽ dành 30 phút gặp riêng với các trainee để tiếp nhận bất kỳ phản ánh nào liên quan tới khoá và tutors. Họ cũng sẽ rất cởi mở trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan tới công việc của họ (trừ việc chia sẻ điểm của các trainee :D).

Có một myth đó là Assessor sẽ dựa vào tiết họ dự giờ để đánh giá toàn khoá học và tất cả trainee còn lại. Nghe là biết suông rồi đúng không. Tất nhiên họ sẽ lấy trải nghiệm dự giờ đó để đóng góp vào nhận xét chung, nhưng trải nghiệm đó sẽ không ảnh hưởng gì nhiều tới khoá, tới các trainee khác, cũng như điểm của trainee dạy hôm đó, theo lời cô Jo Gakonga.


Mình cũng muốn chia sẻ một bài tương tự của chị Trương Hải Hà. Nhờ những bài về CELTA của chị Hà mà mình đã quyết định đánh liều đi học. Một quyết định đúng đắn.

Hi vọng những thông tin mà mình chia sẻ có thể giúp các bạn quyết định việc có nên học CELTA hay không. Đừng ngại bình luận ở dưới nếu các bạn có bất cứ câu hỏi gì nhé! Hẹn gặp lại ở các bài sau 🙂

– Toàn

Các nguồn đã tham khảo

  1. “Three quarters of ELT jobs ask for Cambridge CELTA”. https://www.cambridgeenglish.org/news/view/three-quarters-of-elt-jobs-ask-for-cambridge-celta/ ↩︎

Categories: ,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *