Chú ý: Bài này thể hiện ý kiến cá nhân và dùng khá nhiều thuật ngữ. Để biết CELTA là gì và trải nghiệm của mình với CELTA, mời các bạn đọc bài “Trải nghiệm học CELTA“.
Một số cụm từ viết tắt:
- LPs: Lesson Plans
- ALP: Assisted Lesson Planning
- TPs: Teaching Practices
- TL: Target Language
- LA: Language Analysis
- CCQs: Concept Checking Questions
- NNESTs: Non-native English-speaking teachers
- NESTs: Native English-speaking teachers
- WAs: Written Assignments
Tháng vừa rồi mình học CELTA ở International House Budapest và may mắn đạt điểm cao nhất là Pass A (top 5.6% worldwide). Mình muốn chia sẻ cách mà mình đạt được điểm số này.
Thực ra mình không hề nhắm tới số điểm này từ lúc vào. Nói thực, lúc đó mình chỉ mong không Fail vì lỡ đóng học phí mấy chục triệu mà Fail thì xót tiền lắm. Chính vì thế mà mình đã cố gắng hết sức nhất có thể, không ngờ kết quả cao hơn mong đợi (rất nhiều).
Không dài dòng nữa, để đạt điểm Pass A, làm gì thì làm, mục tiêu của mình là cho tutor thấy mình có thể sẵn sàng dạy một cách hiệu quả ngay sau khoá mà không cần hoặc cần rất ít sự hỗ trợ. Nghe thì không liên quan lắm đúng không, nhưng mình đoán rằng, việc phân hạng điểm chính là một cách để Cambridge giao tiếp với các nhà tuyển dụng về độ sẵn sàng đứng lớp của ứng viên. Một ứng viên Pass A là một giáo viên có thể chuẩn bị bài giảng và đứng lớp mà cần rất ít hướng dẫn từ người khác.
Để cho thấy được điều này, mình nghĩ một trainee cần làm tốt 6 phần sau:
1- Detailed LPs with minimal guidance
- Detailed LPs: Làm sao để biết LP có đủ chi tiết hay chưa? Tutor của mình chia sẻ rằng một LP chi tiết là một LP mà bất kỳ một giáo viên nào nhìn vào cũng có thể hiểu và dùng LP đó để dạy được y như người viết mong muốn. Các bạn có thể nghía qua LP của mình cho một bài Reading ở đây.
- Minimal guidance: Một điều mà mình được tutor đánh giá cao là luôn chủ động lên khung giáo án cho bài giảng trước, và chỉ hỏi một vài câu hỏi ở các buổi ALP mà thôi. Tutor chỉ cần nghe và duyệt là xong. Đến các TPs cuối thì tutor sẽ kỳ vọng là mình tự lên kế hoạch hết, có nghĩa là chuẩn bị luôn cả kỹ năng, chủ đề và nội dung muốn dạy. Mình đã thể hiện được sự độc lập này ngay từ TP1, và có vẻ dần dà đã xây được lòng tin với tutor, nên ở buổi ALP cuối cùng, tutor chỉ hỏi kỹ năng và TL mà mình muốn dạy là gì rồi duyệt luôn.
2- Thorough LA
Với các bài yêu cầu dạy một số các TL như từ mới hoặc cấu trúc ngữ pháp mới, mình sẽ được yêu cầu phân tích những TL đó trước. Việc phân tích hết tất cả các thành phần của một TL là rất quan trọng, vì nó chứng tỏ rằng mình hiểu sâu về TL đó và vì thế có thể truyền tải được hiệu quả nhất các khía cạnh chính của TL đó tới người học. Sau đây là một ví dụ về cách phân tích cụm từ “rush hour” (courtesy of International House Budapest)
- Để phân tích từ: Mình dùng các từ điển chính thống (Cambridge, Oxford, Longman, etc.) để tra nghĩa, và dùng ChatGPT để gợi ý cách truyền đạt nghĩa và các câu CCQs.
- Để phân tích cấu trúc ngữ pháp: Mình tham khảo cuốn “How To Teach Grammar” của Scott Thornburry. Đây là cuốn sách có cách phân tích ngôn ngữ rất giống với phương pháp của CELTA. Ngoài ra, một bạn trainee trong nhóm mình cũng gợi ý cuốn “Concept Questions & Timelines” của Graham Workman.
- Để phân tích Functional language: Mình tham khảo các từ điển chính thống như Cambridge và Oxford. Functional language phân tích rất dễ nhưng dạy rất khó.
Mỗi lần phân tích một TL nào đó, mình đều được yêu cầu nêu ra ít nhất một vấn đề mà người học có thể gặp phải, sau đó đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này. Mình chưa tìm được nguồn tham khảo nào cho phần này mà hoàn toàn chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân khi từng học tiếng Anh hoặc từng dạy tiếng Anh. Mình nghĩ đây là phần khiến NNESTs có lợi hơn hẳn so với NESTs, vì nếu tương tự như vậy khi phân tích tiếng Việt mà mình được yêu cầu nêu ra vấn đề người học tiếng Việt có thể gặp phải với cụm từ “Giờ tan tầm” thì mình chịu luôn.
3- Excellent awareness of learners
Phần này thì hơi khó để đo lường trong quá trình học, nhưng mình nhận ra rốt cục nó đều quy tụ về một việc đó là: tất cả mọi thứ mình làm đều nên phục vụ hiệu quả nhất cho người học của mình.
Điều này có thể thể hiện ở 3 phần trong khoá học:
- Bài giảng của mình có giúp ích cho người học hay không
TL mà mình ra đưa có thực sự là cái mới mẻ đối với họ, hoặc nếu không mới mẻ thì mình có thể chỉ ra những khía cạnh mới nào mà họ chưa biết. Ví dụ với từ “candidate”, dù nhiều học sinh upper-intermediate đều biết từ này, nhưng có thể nhiều người sẽ đặt trọng âm sai ở “date”, hoặc họ chưa biết rằng “candidate” có thể được dùng để chỉ các ứng viên tranh cử (e.g. presidental candidates) và vì thế mình nhân tiện nhắc về chủ đề đang nóng là cuộc đua tổng thống Mỹ 2024.
Một phần nữa trong bài giảng mà sẽ giúp ích rất nhiều cho người học chính là tối thiểu hoá TTT (Teacher Talking Time) và tối đa hoá STT (Student Talking Time), nhất là đối với người học là người lớn. Nói một cách khác, giống như điều mà mình hay nhẩm trong đầu lúc dạy, mình phải kiềm chế cái sự muốn nói và STFU! Chỉ khi học CELTA mình mới nhận ra về vấn đề “suýt” mãn tính này và chỉnh sửa kịp thời. Mình nghĩ không cần chia sẻ gì thêm về phần này vì những phương pháp giảm TTT được hướng dẫn trong khoá học là đủ hiệu quả để bất kỳ giáo viên nào cũng áp dụng được.
- Bài tập của mình có giúp ích cho người học hay không
Những bài tập để luyện các TL liệu có đủ thử thách đối với người học hay không. Rất nhiều trainees trong khoá và kể cả mình, ban đầu cố tình ra bài tập hơi dễ một chút để người học làm được và giúp cho bài giảng mượt mà hơn. Tuy nhiên, điều này thực ra không được tutor đánh giá cao. Sau này mình hiểu rằng để người học tiến bộ thì họ phải được thử thách thật sự với những bài tập khiến họ suy nghĩ nhiều hơn, suy đoán nhiều hơn hoặc sử dụng nhiều kỹ năng hơn cùng một lúc. Nếu bài tập quá dễ, người học hoàn toàn không học được gì mới, và điều này vô tình lại khiến bài tập của mình kém hiệu quả.
Tuy nhiên, điều ngược lại cũng đúng, nếu mình ra bài tập khó nhằn cũng như khó hiểu quá đối với người học, họ sẽ không đủ động lực để hoàn thành nó và thành ra không luyện tập được những TL đã học. Đây cũng chính là phần mình gặp khó khăn nhiều nhất khi chuẩn bị LPs, đó là việc căn chỉnh bài tập làm sao để vừa đủ độ thử thách mà vẫn đủ hứng thú. Rất may là đến 2 TPs cuối thì mình đã lờ mờ căn được sát vùng goldilocks này. Còn làm sao để căn cho chuẩn thì mình chỉ làm theo một cách là thử rồi sửa 🙂 Nếu bạn có gợi ý gì về việc căn chuẩn thì có thể chia sẻ ở phần bình luận để mọi người cùng học hỏi nhé!
- Rapport với người học có tốt không
Mình không biết dịch rapport như thế nào cho sát nghĩa, đại loại nó là tương tác giữa giáo viên và người học. Mình nghĩ cái rapport này nó trừu tượng khó đo lường lắm, nên mình cũng không quá tập trung vào phần này trong lớp. Gần cuối khoá, mình mới nhận thấy cái rapport này tốt hay không phần lớn là ảnh hưởng từ việc mình có phải là một “con người” trước mặt người học hay không. Nói “người” là để phân biệt với “máy”, vì nhiều khi mình cũng có xu hướng dạy như “máy” vậy. Để tạo ra một hình ảnh “con người” mà người học có thể kết nối và đồng cảm với, mình và các trainee khác thường kết hợp thời gian đầu giờ để lồng các câu chuyện cá nhân vào chủ đề của tiết hôm đó, vừa tạo điều kiện cho người học kết nối với mình và vừa kết nối với bài.
4- Strong WAs
Khoe một chút là cả 4 bài WAs của mình đều được nhận xét là “very strong”. Mặc dù không có tiêu chí nào nói về việc làm tốt WAs thì được Pass A, nhưng nội dung của các WAs liên quan mật thiết tới các tiêu chí đánh giá điểm, dựa vào thông tin từ Cambridge (p. 3). Mình không hề biết sự liên quan này cho tới khi học xong khoá, mà mình chỉ tập trung làm đúng và đủ yêu cầu của mỗi WA. Mỗi WA lại có một dải tiêu chí khác nhau, và mỗi trung tâm lại có một dải tiêu chí khác nhau cho mỗi WA. Vậy nên có thể nơi bạn học sẽ có yêu cầu khác chỗ mình học. Tuy nhiên, mình thấy luôn có 2 điều nên tập trung làm tốt khi làm WAs:
- Research thoroughly, but choose wisely
Research trong CELTA chỉ mang nghĩa đơn giản là đi tìm nguồn thông tin để bổ sung cho những gì mình viết trong WA – dễ hơn nhiều so với research kiểu làm luận án. Mình thấy chỉ cần bỏ ra nhiều thời gian đọc và thu thập nguồn một cách ngăn nắp để dùng trong bài WA, thì bài của mình sẽ tự dưng đầy đủ và chi tiết. Nhưng chính vì bỏ nhiều thời gian nên nhiều lúc mình bị tình trạng analysis paralysis vì tìm được nhiều nguồn quá mà chả biết sử dụng nguồn nào vừa hợp lý mà vừa đầy đủ. Với lại, bài WA nào cũng giới hạn số từ nên mình lại càng phải chọn kỹ. Lúc này mình mới tự nhắc mình rằng đây chỉ là khoá đào tạo tân giáo viên nên tutor sẽ không kỳ vọng mình phân tích một cách hoàn hảo. Mình chỉ cần chọn lọc những gì mình thấy quan trọng nhất, hoàn thành bài và nộp bài, còn lại để tutor lo :D. Bạn có thể thấy nhận xét dưới đây của tutor cho bài WA đầu tiên của mình phản ánh nhận định đó.
- Focus on learners’ needs
Trong 4 bài WAs thì có 3 bài yêu cầu mình phải tính đến nhu cầu của người học khi thiết kế bài giảng, bài tập hoặc phân tích TL, đủ thấy tầm quan trọng của việc lấy người học làm trọng tâm. Ví dụ bài WA 3 (Language Skills Related Task) yêu cầu thiết kế một bài học để luyện tập kỹ năng đọc phù hợp với lớp pre-intermediate. Khi được cho sẵn 2 bài đọc và phải chọn một trong hai, mình đã chọn bài khó hơn, vì bài đó là về du lịch và mình biết là lớp pre-intermediate gồm toàn những người thích chu du khắp năm châu. Có cụ gần 70 tuổi đã đi khắp thế giới. Có bác U60 cũng vừa đi phượt Bắc Mỹ 2 tháng. Trong lớp mà cứ nhắc tới chủ đề “Du lịch” là y như rằng cả lớp xôm tụ hẳn lên. Việc tính đến sở thích của người học như vậy cũng là một điểm mà tutor đánh giá rất cao.
5- Reflect on strengths and weaknesses
Sau khoá học mình mới nhận thấy, đây chính là phần mang nhiều sức nặng nhất khi tutor cân nhắc điểm của mình. Trong suốt quá trình diễn ra khoá, mình đã (một lần nữa, vô tình) cho tutor thấy rằng mình rất sẵn sàng đón nhận góp ý hoặc đón nhận những điều mới học, và cũng sẵn sàng hành động để cải thiện những gì đang yếu hoặc áp dụng những điều mới học đó.
- Sẵn sàng đón nhận góp ý và cải thiện ngay lập tức
Để làm được điều này mình thấy vừa dễ vừa khó. Dễ là vì sau mỗi TP, tutor đều sẽ ghi rất rõ các điểm mà họ muốn thấy bạn cải thiện ở tiết sau, đỡ phải đoán già đoán non. Mình chỉ cần tập trung cải thiện những điều này ngay lập tức ở tiết sau là được. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khó. Chủ yếu là vì một khi đã bắt đầu dạy, mình sẽ trôi theo dòng và chỉ muốn chạy giáo án cho kịp giờ thôi chứ không có nhớ phải cải thiện cải xoong cái gì sất :D. Chính vì thế mà từ tiết TP2 mình đã phải ghi hẳn những điểm cần cải thiện vào LP, cũng như đính một cái tờ ghi chú to tổ chảng trước mặt để tự nhắc. Có một bạn trainee cùng nhóm mình, khi được nhắc phải cải thiện TTT, còn ghi hẳn vào LP từng từ từng câu họ sẽ nói và cứ đọc như đọc kịch bản vậy, và TTT của bạn cải thiện thật, ấn tượng luôn chứ 😀
Tuy nhiên vì có quá nhiều thứ phải lo tới lúc giảng bài nên nhiều khi mình sẽ ưu tiên những điều cần cải thiện trước và có thể lướt qua những điều không quan trọng bằng (ví dụ như thay vì chữa bài kỹ thì mình sẽ chỉ kiểm tra đáp án thôi).
- Sẵn sàng tiếp thu những điều mới học và áp dụng ngay lập tức
Tính mình thích thử cái mới lạ, nên nhiều khi được học một kỹ năng hay phương pháp dạy nào mới là muốn thử liền, dù cho kết quả có dở cỡ nào. Ở TP6 mình có liều áp dụng phương pháp Guided Discovery mới học hôm trước xong để dạy Grammar, kết quả là cháy giáo án khét lẹt. Đến giờ feedback tưởng bị ném gạch nhưng tutor lại rất từ tốn chỉ bảo những điều cần làm tốt hơn. Đúng kiểu thử trước tính sau nhưng không ngờ là tutor và các bạn trainee khác cũng đánh giá cao chuyện này. Mình cũng nhận thấy là chỉ khi thử dạy và giáo án bể tùm lum thì mình mới nhận ra nên làm tốt hơn như thế nào.
Ngoài ra, việc thử dạy các phương pháp mới trong khoá học cũng có thể chứng tỏ cho tutor thấy rằng sau này khi mình đã trở thành một giáo viên, mình vẫn có thể luôn tiếp tục tự cải thiện bằng cách áp dụng những điều mới học được từ các nguồn khác nhau vào thực hành. Điều này lại càng tăng thêm niềm tin của tutor về sự độc lập nhất định (minimal guidance) cần thiết để cho một ứng viên điểm cao mà mình có nhắc tới ở đầu bài.
6- Chuẩn bị trước khoá thật tốt
Chia sẻ một chút, mình “rơi vào tay” IH Budapest là do theo chân chị Trương Hải Hà. Chị Hà có blog rất hữu ích với nhiều thông tin liên quan đến CELTA, DELTA và dạy tiếng Anh nói chung.
Trước và trong khoá, mình đã áp dụng rất nhiều chia sẻ của chị, ví dụ như các sách nên đọc trước khoá, việc nên viết LP cho TP1 và TP2 dù không yêu cầu, etc. Cũng nhờ chị Hà mà mình mới được truyền cảm hứng viết bài này vì mình hy vọng nó sẽ giúp đỡ nhiều người hơn giống như cách mà bài của chị Hà đã giúp mình.
Ngoài những tips của chị Hà, mình còn chuẩn bị bằng cách:
- Hoàn thành pre-course task bởi IH Budapest: Task này được gửi sau khi mình được nhận vào khoá. Rất hữu dụng vì những thông tin trong này liên quan mật thiết tới những gì được học.
- Hoàn thành 3 modules khoá chuẩn bị cho CELTA của Cambridge: Hữu dụng ở mức vừa phải. 3 modules này giúp mình làm quen với các thuật ngữ của CELTA, với Communicative Approach và với những vấn đề thường gặp của người học tiếng Anh.
- Tham khảo cuốn The CELTA Trainee Book: Cuốn này nhiều bài tập lắm nên mình đọc qua loa thôi. Với lại, mình thấy chỉ có phần lời khuyên ở cuối sách là hữu dụng.
- Tham khảo Syllabus của CELTA, đặc biệt là phần hướng dẫn cho điểm.
Tổng kết
Nhìn thì nhiều thứ phải lo, nhưng đúng là thế thật 😀 Vậy nên lời khuyên của mình vẫn là chia sẻ ở ngay đầu bài: Đừng nhắm tới điểm A mà hãy làm tốt nhất có thể. Kết quả cao là một điều bất ngờ ngọt ngào nhưng mình cũng hiểu rằng, trên thực tế, có thể nó không có ý nghĩa gì đáng kể lắm với các nhà tuyển dụng (theo những chia sẻ trên reddit của các trainee đã đạt Pass A). Ngoài ra, phần lớn các trainee đạt điểm Pass, và mức điểm này là đủ để mình tìm việc trên khắp thế giới. Cô Jo Gakonga cũng chia sẻ thêm sự thật về điểm Pass A ở đây.
Cái lợi tốt nhất mà mình thấy điểm Pass A cho mình ở thời điểm hiện tại, là giúp mình nhận ra điều mình có thể đạt được nếu cố gắng hết sức. Nó cũng giúp mình khẳng định được sự chính xác của câu “You get out what you put in”. Những điều này giúp mình cảm thấy tự tin hơn với con đường dạy tiếng Anh phía trước.
Bài cũng dài rồi nên mình xin dừng, các bạn cứ hỏi ở bình luận nhé. Cảm ơn mọi người đã đọc và hẹn gặp ở bài sau 🙂
– Toàn
Các nguồn đã tham khảo
- CELTA Syllabus. Cambridge University Press & Assessment. https://www.cambridgeenglish.org/Images/21816-celta-syllabus.pdf
- Lesson Plan Template. International House Budapest
- PepsiMax Commercial. https://www.youtube.com/watch?v=LVCYmO1agUM&ab_channel=LiviuMarica
- Videotelling. https://videotelling.com/wordpress/wp-content/uploads/2017/04/TTT.jpg
Leave a Reply