Hè rồi có qua Mỹ làm trại hè vui hết nấc, lại còn đi bao nhiêu chỗ nơi cờ hoa đã nằm trên bucket list của tôi từ hồi lớp 3, đã thật sự! Bạn nào hám thì vô đọc ngay không tôi hứng lên lại xoá mất.
Lần đầu tôi đi Trại hè Mỹ nên cũng hoang mang lắm, biết bao nhiêu câu hỏi câu ngửi mà không biết hỏi ai lại phải tự mày mò mất bao nhiêu công sức thời gian, nên tôi tổng hợp lại đây cho các bạn hậu bối được sống cuộc đời đơn giản hơn tôi nhiều.
Disclaimer là những điều tôi viết sau đây là theo trí nhớ (và trải nghiệm xương máu) nên không tránh khỏi một số chỗ bị cảm xúc thay thế sự thực. Với nữa là kinh nghiệm tôi viết sau đây là dành cho J1 visa dạng Camp Counselor, có một dạng J1 visa khác đi Internship thì xin lỗi các bạn là tôi chưa đi nên không viết được.
Trước khi vào bài, tôi phải giải thích J1 visa là gì. Ai qua Mỹ cũng có mục đích gì đó, người thì du lịch, người thì đi học, người thì đi công tác. Mỗi mục đích lại có một dạng visa riêng. Nếu mục đích của bạn là sang làm việc tại Trại hè Mỹ, hầu như bạn đều thuộc nhóm phải xin dạng visa có tên là J-1 (hay còn có tên là Exchange Visitor). J-1 được chia ra làm nhiều mục đích nhỏ hơn, bạn có xem tại đây. Trong đó có một nhánh visa dành cho Camp Counselor. Mặc dù tên là Camp Counselor, nhánh visa này vẫn dành cho những bạn đi làm nhân viên hỗ trợ (supporting staff) như mình, miễn là làm việc ở một Trại hè hoặc chương trình hè là được.
Không dài dòng nữa, tôi chia bài làm mấy phần cho dễ theo dõi:
- Phần 1: Thế tìm việc hè bên Mỹ như nào?
- Phần 2: Có việc xong thì làm gì?
- Phần 3: Háo hức quá, giờ chuẩn bị gì sang Mỹ cho nuột?
- Phần 4: Các lời khuyên lặt vặt khác
Phần 1: Tìm việc hè bên Mỹ như nào?
Trước khi nói về tìm việc như thế nào thì tôi nghĩ là nên nói một chút về thực tế kinh nghiệm cần có để có khả năng cao được nhận công việc dạng Camp Counselor ở Trại hè. Nghe nghiêm trọng không? Nó thực sự không đòi hỏi nhiều như vậy các bạn ạ, chỉ cần bạn đủ 18 tuổi, có kinh nghiệm liên quan tới giáo dục hoặc làm việc với trẻ em cũng như có tiếng Anh giao tiếp đủ dùng là có thể tự tin. Bạn vẫn không tin thì tôi để yêu cầu từ trang chính thức của J1 visa luôn.
Rồi, vậy thì tìm việc ở bển như nào?
Các bạn cứ theo 2 cách này là đúng cửa.
- Thứ nhất là dễ nhất. Các bạn mà quen bên trại hè nào thì bạn xin việc thẳng vào trại hè đó. Trại hè nhận xong thì họ sẽ giới thiệu cho các bạn một bên trung gian (gọi là Visa Sponsor) để họ bảo lãnh visa cho các bạn. Cái này là bắt buộc nha, ai sang bên Mỹ dạng J1 đều phải có một bên bảo lãnh visa hết. Nếu trại hè mà mạnh thì họ có thể bảo lãnh visa cho bạn luôn nhưng trường hợp này hiếm lắm vì hơi đâu mà họ tự thêm việc cho mình, thuê bên thứ ba cho khoẻ.
- Thứ hai là bạn nhờ bên Visa Sponsor vừa tìm việc vừa bảo lãnh visa cho. Cách này thì thêm chút phí thôi nhưng mà cũng đỡ mệt hơn (thực ra tôi cũng không chắc nữa, đoán mò thôi tại đã thử bao giờ đâu, bạn nào đã thử rồi thì comment trải nghiệm cái). Ở Mỹ thì quá trời chỗ làm dịch vụ này luôn (bạn vô link này chọn Program là “Camp Counselor” nhá rồi nó hiện ra một đống), nhưng nổi tiếng nhất (và cũng đắt nhất) là Camp America và CCUSA. Tôi dùng bên IENA và bạn tôi dùng bên GEC đều ổn cả. Nói chung là mấy bên này khác nhau về giá cả và thái độ phục vụ thôi nên bạn cũng không cần lo quá, không có chỗ nào lừa lọc hết. Bạn cứ tìm hiểu từng nơi rồi lựa. Lựa xong thì cứ theo hướng dẫn của bên Visa Sponsor nhé. Thường họ sẽ đóng vai là kiểu trung gian lọc hồ sơ rồi gửi cho các bên Trại hè mà phù hợp với nguyện vọng của bạn.
Tôi đi theo cách thứ nhất vì cũng có tí móc nối với bên Trại hè từ trước. Nói chớ cũng phải phỏng vấn mấy vòng với bên Trại hè xong mới được nhận, không có kiểu quen là vô như bên mình (tiếc thế). Phí tôi đóng cho bên IENA là $500, may quá có thêm điều khoản với Trại hè của tôi là nếu làm tới hết hợp đồng thì được refund một nửa. Các bạn có thể đề xuất cái này với bên Trại hè vì thực sự thì họ cũng thèm đội J1 như chúng mình, tại vì sao thì bạn có thể đọc bài này. Vậy nên cứ mạnh dạn mà hỏi nha.
Nói về khung thời gian nên bắt đầu tìm việc hoặc liên lạc với bên Visa Sponsor thì càng sớm các tốt. Các bạn có thể bắt đầu từ tháng 11 vì bên đó tuyển sớm lắm. Tuy vậy, mùa tuyển có thể kéo dài tới cuối tháng 5 cho những bạn đang đọc bài này vào tháng 5 =)) (không gợi ý nộp muộn vậy nha vì còn xin visa nữa).
Phần 2: Có việc xong thì làm gì?
Sau khi đã có việc sẽ tới những phần đau đầu hơn là làm giấy tờ (tất nhiên rồi).
Bộ giấy tờ nộp cho bên Visa Sponsor:
- Lý lịch tư pháp (hay Police Background Check)
- Một đơn ứng tuyển cho Visa Sponsor có đính ảnh 5×5 dạng hộ chiếu
- Hộ chiếu (phải còn hạn hơn 6 tháng)
- Thư giới thiệu từ 2 người (sếp hoặc đồng nghiệp)
- Hợp đồng hoặc Thư mời nhận việc từ bên Trại hè
- Phí cho bên Visa Sponsor
Nói về những giấy tờ phải chuẩn bị, tôi phải nhấn mạnh một cái giấy tưởng chừng như rất dễ nhưng lại đã rất khó với tụi tôi, đó là “Lý lịch tư pháp”. Nếu tôi đi lại, tôi sẽ làm cái giấy này đầu tiên và từ rất rất sớm. Giấy này bình thường làm mất có 200k, 2 tuần và có thể làm online qua cổng dịch vụ công. Tuy vậy thực tế bạn tôi, hình như vì ở Hà Nội và làm gấp, nên thành ra mất tiền triệu và hàng tuần mới có. Tôi ở tỉnh nên làm siêu lẹ. Rất khuyến nghị các bạn làm cái giấy này từ tháng 12 nếu ở thành phố lớn.
Các giấy tờ khác thì dễ rồi. Thư giới thiệu không yêu cầu cao như kiểu đi xin học bổng đâu nên các bạn không cần lo. Thậm chí các bạn tự viết rồi nhờ đồng nghiệp bất kỳ nộp giúp là được. Cái này giống như hình thức vậy.
Nộp xong bộ hồ sơ này cho Sponsor thì các bạn rung đùi đợi vài ngày để nó đọc và xác nhận xem bạn có tử tế không. Bạn tôi kỷ lục được xác nhận sau có 1 ngày (chắc tại tử tế).
Nếu Sponsor nhận hồ sơ của các bạn, vài ngày sau họ sẽ gửi cho mình một tờ giấy có tên là DS-2019 (Certificate of Eligibility for Exchange Visitor (J-1) Status) với mục đích xác nhận là à sau khi xem xét thì chúng tôi thấy thanh niên này cũng đủ tử tế để sang Mỹ. Có giấy này thì các bạn mới bắt đầu thủ tục đi xin visa với Đại sứ quán Mỹ được. Giấy có hình dạng như này. Để giấy tờ này chính xác thì bạn phải điền đúng và cẩn thận lúc nộp hồ sơ trước đó với Sponsor, quan trọng nhất là ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời gian làm việc ở Trại hè, vì họ dựa vào đó để in thông tin ra tờ DS-2019 và bạn sẽ còn được hỏi cái này rất nhiều sau này khi phỏng vấn visa với ĐSQ và phỏng vấn nhập cảnh lúc vào Mỹ. Lỡ sai mà muốn sửa DS-2019 lại mất thêm mấy trăm đô đấy, siêu xót!
Ngay sau khi nhận DS-2019 thì các bạn có thể đặt lịch phỏng vấn visa với Đại sứ quán được rồi. Đoạn này thì bên Sponsor sẽ hướng dẫn các bạn cụ thể từng li từng tí luôn. Các bạn cũng nên đọc FAQs của ĐSQ Mỹ ở Việt Nam về việc xin visa và các thắc mắc khác liên quan.
Bước đầu tiên trước khi muốn đặt lịch, nếu tôi không nhầm, thì các bạn phải điền một cái đơn online có tên là DS-160. Tôi phải thừa nhận nếu cái đơn này mà là một tờ giấy hữu hình thì tôi sẽ đốt nó rồi nghiền nó rồi đốt nó thêm lần nữa vì thực sự nó là cái gì đó tà ma ác quỷ. Ngồi điền cái đơn của nợ này cứ khoảng 30s nó lại đá mình ra một lần (time-out) mà toàn đang lúc điền hăng chưa kịp nhấn lưu. Mà nó cũng không cho mình nhấn lưu luôn cơ nếu mà chưa điền đủ mỗi bước của nó. Rồi tôi ngồi mất nửa ngày và sau bao lần muốn đập máy mới hoàn thành nổi. What a hot mess! Vậy nên tôi khuyên các bạn là trong khi điền cái đơn này thì nên ngồi ăn uống hay làm cái gì đó cho chánh niệm thanh thản vào không là bị lên cơn. Điền xong thì sẽ có một cái mã nữa để điền khi đặt lịch.
Phí đặt lịch và quy trình xin visa J-1 các bạn xem tại USTravelDocs chính thức của ĐSQ. Ở thời điểm 5/2024 phí đặt lịch là 185$ và chỉ có một cách thanh toán là ra bưu điện đóng. Sau đó bưu điện sẽ trả một phiếu xác nhận mà bạn phải giữ thật kỹ để trình tại buổi phỏng vấn, đừng làm mất không là đóng lại phí đó. Bạn điền mã số gì đó trên tờ phiếu này, cùng với mã số của tờ đơn DS-160 đã điền, vào hồ sơ trên trang USTravelDocs thì mới đặt được lịch.
Nói về việc đặt lịch lại có một điều ngu si hơn. Bạn tôi và tôi đều gặp trường hợp là khi đang lựa lịch thì bị trang đá bay ra ngoài và chặn vào lại trong vòng 1 ngày mà không vì lý do gì sất.
Sau khi tìm hiểu thì đây là một lỗi thường gặp ở mọi nơi trên thế giới, lý do thì củ chuối: Nếu mình click nhiều lần và liên tiếp trong lúc lựa lịch thì trang web tưởng mình là bot đang cố đặt hết lịch của người khác. Rồi tôi muốn đập đầu zô tường luôn. Nhưng kinh nghiệm đối phó với Windows và cài game lậu mấy chục năm của tôi đâu dễ đầu hàng cái lỗi ngu xỉn này. Giải pháp mà tôi đã vận đó là dùng Incognito để vào lại trang rồi nhấn một lần duy nhất vào cái lịch mình muốn thôi.
Có một điều đáng chú ý mà tôi lấn cấn và lo lắng rất nhiều khi chuẩn bị phỏng vấn visa là chứng minh ràng buộc của mình với Việt Nam. Trên lý thuyết, mình có thể chứng minh bằng việc mang các giấy tờ như hợp đồng làm việc, hợp đồng thuê nhà, sổ đỏ, etc. để cho thấy là mình sẽ có ràng buộc để quay lại Việt Nam. Trên thực tế thì mặc dù tôi có mang cho chắc, nhưng cán bộ thị thực không yêu cầu trưng ra bất cứ giấy tờ thêm nào, ngoài mấy giấy tờ bắt buộc yêu cầu mang, ở buổi phỏng vấn. Bạn tôi cũng không được yêu cầu và tất cả mọi người đã từng xin J-1 visa dạng Camp Counselor mà tôi tìm hiểu đều tương tự. Vậy nên nếu bạn lo là ĐSQ có yêu cầu không thì 95% là không. Lý do tại sao có thể xem video này. Tất nhiên nếu bạn đen họ hỏi mà không có thì thôi do ăn ở rồi.
Với những bạn lo lắng và muốn thuê một bên đại lý làm hộ visa thì tôi nghĩ là không nên. Thứ nhất là vì làm hồ sơ visa khá dễ. Thứ hai là vì họ sẽ dựa vào nội dung trong đơn xin visa để phỏng vấn bạn, nên nếu bạn trả lời không khớp thì chắc chắn là rớt.
Thông tin thêm về quy trình và cách họ phỏng vấn visa có thể tìm thấy ở trang Youtube của ĐSQ Mỹ tại Hà Nội và Cục lãnh sự Mỹ ở Hồ Chí Minh. Tôi khuyên nên đặt lịch ở ĐSQ tại Hà Nội vì thời gian chờ để có lịch phỏng vấn trống ở HN thường ngắn hơn rất rất nhiều so với Cục lãnh sự ở HCM. Bạn tra thời gian chờ ở đây.
Đặt lịch được rùi thì cứ mạnh dạn ăn mặc lịch sự mang đủ giấy tờ họ yêu cầu và đi phỏng vấn thui. Một số thông tin mà các bạn phải nhớ nằm lòng để trả lời khi họ hỏi:
- Lý do bạn sang Mỹ là gì? (“duh, đi làm Trại hè ??”, biết vậy nhưng vẫn phải trả lời tử tế là à tao đi làm trại hè để mở mang kiến thức, giao lưu văn hoá kiểu thế)
- Ngày bắt đầu và kết thúc hợp đồng làm việc với Trại hè
- Địa điểm mà bạn làm việc ở Mỹ
- Công việc mà bạn làm ở Trại hè
Ngoài mấy câu cơ bản này ra thì tôi có được hỏi thêm là sao biết công việc này, thì tôi cũng trả lời như trên thôi là có tí quan hệ hồi xưa giới thiệu cho. Được chú gì đó trưởng bộ phận lãnh sự phỏng vấn nên cũng hơi run tí. Sau khi trả lời cỡ 5 phút gì đó là chú bảo đợi tí chú đi đây chút, xong tui cũng hơi rén, nhưng hoá ra chú đi lấy con dấu lãnh sự rồi đóng một phát chắc nịch chữ “Approved” lên DS-2019 của tôi thì lúc đó tôi mới thở phào. Hớn hở ra về mà nhận ra chưa nộp ảnh để làm visa, xong quay lại hỏi thì hoá ra là dạo gần đây không cần nữa.
Chú ý cuối cùng là bạn phải giữ tờ DS-2019 được đóng dấu “Approved” đó bên mình khi qua Mỹ để trình ở Hải quan và tiếp tục giữ bên mình cho tới khi rời Mỹ luôn.
Phần 3: Háo hức quá, giờ chuẩn bị gì sang Mỹ cho nuột?
Phỏng vấn visa đậu rồi thì chuẩn bị lên đường thôi. Lúc hạ cánh trước khi qua Hải quan tôi cũng lo lắng chuẩn bị trả lời đủ kiểu nhưng thực tế thì cán bộ Hải quan liếc thấy visa J-1 cái là đóng dấu cái rụp, chả hỏi han gì. Bạn tôi đi cùng cũng chỉ được hỏi là làm ở đâu rồi họ đóng dấu luôn, chưa tới 30 giây nữa. Chú ý là dấu của cán bộ Hải quan sẽ có ghi là D/S (Duration of Status) chứ không ghi ngày hết hạn của visa. Duration of Status dựa theo thời hạn ghi trong DS-2019. Một điểm hay của J-1 là sau ngày hết hạn visa, bạn sẽ được cộng thêm 30 ngày (gọi là Grace Period). 30 ngày này cho phép bạn ở lại và đi lại thoải mái trên toàn nước Mỹ. Sau 30 ngày là phải rời Mỹ nếu không là rắc rối. Tui dành khoảng 2 tuần rưỡi đi chơi bờ Đông là cũng hết bạc phải bay về rồi, lần tới mà đi chắc lượn qua bờ Tây chơi.
Sau đây là một số những đồ tôi mang sang Mỹ, gói gọn trong 1 ba-lô xách tay và 1 va-li ký gửi:
- Giấy tờ bản gốc cầm theo người và thêm 1 bộ dự phòng để trong va-li.
- Thẻ tín dụng để tiêu vài tuần đầu trước khi nhận lương.
- Đồ điện tử này nọ.
- Đồ vệ sinh cá nhân. Rất khuyên các bạn mang 1 hộp giấy ướt (this is a MUST for me) để dùng sau khi đi nặng vì bên Mỹ hông có cái xịt đ*t đâu các bạn.
- Nếu các bạn đeo kính thì đi làm thêm quả kính dự phòng vì bên bển kính đắt lòi.
- Một vài quà tặng nho nhỏ từ Việt Nam. Tôi tiếc vì không đem mấy kiểu móc khoá có cờ Việt Nam để tặng các bạn mới quen. Tôi mang cà phê qua tặng nhưng mà tôi lại thấy cà phê bên bển ngon hơn lol. Đồ thổ cẩm bé bé cũng hay.
- Áo quần đủ dùng cho 1 tuần không giặt. Cái này dễ bị nhét nhiều, nên nếu bạn không muốn mang nhiều cũng được vì thực ra bên kia giá quần áo và giày cũng ổn lắm, thậm chí có chỗ còn rẻ hơn Việt Nam.
- Cái này hơi sến nhưng chuẩn bị mang đi sự cởi mở và sự sẵn sàng vượt qua vòng an toàn của mình để trải nghiệm và làm quen nhiều nhất có thể ở nước Mỹ.
- Thuốc thang. Tôi ước mình đã mang thêm thuốc đau bụng.
Sau khi hạ cánh thì các bạn BẮT BUỘC phải check-in với Sponsor của mình càng sớm càng tốt nhé. Họ sẽ gửi một email cho mình để làm việc đó. Thiếu cái này là visa của bạn chuyển sang Inactive thì mệt đó.
Nếu bạn sang Mỹ lần đầu, bạn cần có số An sinh Xã hội (Social Security Number – SSN) ở bển thì mới được trả lương. Thường bạn sẽ không phải là người duy nhất dạng J-1 ở bên Trại hè, nên họ sẽ tổ chức 1 buổi để chở tất cả các bạn J-1 đi một văn phòng SSN gần đó để làm SSN. Làm cũng đơn giản và chờ khoảng 2 tuần là có thẻ gửi về. Sau khi làm xong là bạn có thể nhận lương chứ không cần chờ tới khi nhận thẻ. Có SSN thì cũng mới làm được tài khoản ngân hàng ở bển.
Tôi cũng khuyên các bạn mua một cái thẻ SIM có data để dùng. Cái này dùng đi chơi tìm đường rồi dùng các app đặt xe, tìm bus tìm tàu điện và muôn vàn thứ khác. Ngoài ra để dùng app ngân hàng, đặt bàn đặt vé và Amazon này nọ thì cũng cần số điện thoại Mỹ. Sau khi nghiên cứu đủ kiểu con đà điểu thì tôi chọn Mint Mobile ổn nhất, có gói 3 tháng $45 dùng 5G thả ga luôn.
Phần 4: Các lời khuyên lặt vặt khác
- Về phần mua quà cho người ở nhà, thì sau trải nghiệm mang quà về nhưng tặng được người này thì thiếu người kia, tôi đã rút ra bài học là chỉ mua cho gia đình mình và những người bạn thân, còn họ hàng thì thực sự là khỏi cần. Nếu có muốn mua thì mua những đồ kiểu snacks hoặc móc khoá chung chung là quý rồi.
- Trước khi về các bạn dùng Wise.com mà gửi tiền về ngân hàng ở Việt Nam. Phí có 1% mà đỡ được bao nhiêu sự đau đầu và phí má đi kèm với việc cầm tiền mặt về. Nếu dùng link của mình thì bạn được miễn phí tiền phí gửi số tiền tới $600. Nếu có muốn cầm tiền mặt về thì nên ra ngân hàng Mỹ đổi ra đồng $100 hết, mà phải là đồng mới cứng nha. Cầm đồng nhăn, có chữ viết hoặc đồng lẻ ($1, $2, $10, etc.) về vì sẽ bị ép giá hoặc không nhận đổi.
Mình nghĩ tới đây là hết rồi, chúc các bạn thành công và vui vẻ bên Mỹ. Nếu có bất cứ câu hỏi nào bạn có thể để lại comment bên dưới, mình sẽ trả lời để mọi người khác cùng đọc được.
Các bạn subscribe mấy bữa nữa tôi ra bài mới biết liền!
Leave a Reply